Chuyển đổi số doanh nghiệp: Cần nhìn nhận thấu đáo để đi đúng hướng

Chiều 8/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Sao Đỏ – Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022, TW Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CLB Công nghệ và Chuyển đổi số Doanh nhân trẻ Việt Nam, chủ trì tổ chức Hội thảo “Doanh nhân trẻ Việt Nam – Chuyển mình đổi số”, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu doanh nhân trẻ đến từ Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh, thành phố cùng các diễn giả khách mời.

Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nền kinh tế số trong thời đại 4.0, giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt các cơ hội và hiểu rõ những thách thức trong quá trình chuyển đổi số để quản lý, vận hành tốt doanh nghiệp.

Với 2 chủ đề: “Lan tỏa khát vọng chuyển đổi số” và “Bứt phá tư duy – Chuyển mình đổi số”, các diễn giả, khách mời cùng nhau chia sẻ những định hướng của Việt Nam về vấn đề chuyển đổi số trong thời gian tới; những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế số…

Phát biểu tại Tọa đàm với nội dung “Lan tỏa khát vọng chuyển đổi số”, ông Lê Trí Hải – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP CNTT Toàn cầu xanh, cho rằng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển, nhận thức và thay đổi mạnh mẽ, tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được điều này đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam – Lê Trí Hải phát biểu khai mạc Hội thảo

“Phải chuyển mình để phù hợp, cần đầu tư cho nguồn lực huy động vốn, hệ sinh thái đầy đủ. Đó là kỹ thuật, hạ tầng, cơ chế vận hành, mô hình kinh doanh, quy mô hạ tầng cuả chính mình… trên nền tảng kỹ thuật số”, ông Hải cho hay.

Theo ông Hải, sử dụng vốn cho chuyển đổi số là bài toán đau đầu với doanh nghiệp. Để chuyển đổi số thành công, từ thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn hạn chế về nguồn lực, thì việc chuyển đổi số phải căn cứ vào “túi tiền” và nguồn thu của doanh nghiệp, gắn chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chấp nhận tư duy dài hạn trong chuyển đổi số, phải tính bằng 3-5 năm để từ đó chuẩn bị nguồn lực cho chuyển đổi số.

Đối với từng doanh nghiệp, theo ông Hải, chuyển đổi số phải xuất phát từ người đứng đầu doanh nghiệp và cần sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo và bộ máy, làm từ dễ đến khó. Tùy theo doanh nghiệp, có thể làm từ trong ra ngoài, từ chuyển đổi số trong nội bộ trước khi làm những ứng dụng phát triển ra thị trường.

Nêu quan điểm, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam, cho rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp trong nước lại đứng trước thách thức lớn như vậy, để phát triển năng lực nội sinh, để doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng hiện tại, chỉ còn cách phải thay đổi bằng chuyển đổi số.

Diễn giả Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo.

“Khi chuyển mình đổi số tức là chuyển sang mô hình mới để thay đổi số phận, thay vì thụ động, ta phải chủ động để có thể đột phá về năng suất và giá trị tạo ra. Như vậy mới thay đổi được, đồng thời tăng ưu thế cạnh tranh trên thị trường”, ông Giang nhấn mạnh.

Xác định chuyển đổi số là xu thế của thị trường, ông Giang cho rằng, sớm chủ trương chuyển đổi phương thức quản lý từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, tăng cường đầu tư ứng dụng các giải pháp công nghệ, số hóa quy trình hoạt động. Cũng theo ông Giang, trước đây môi trường truyền thống phải kết nối liên tục, nhưng chuyển đổi số sẽ cho phép chúng ta thay đổi bằng sự thích ứng của thời đại, có thể từ những mảnh ghép rời rạc, biến những khối thống nhất linh hoạt xoay chuyển phù hợp nhất với chúng ta. “Chấp nhận hiện thực không hoàn hảo để định hình lại cách thức cho phù hợp thực tại, chứ không phải áp dụng mô hình một cách gượng ép cho phù hợp, phải tối ưu hóa nguồn lực chúng ta đang có chứ không phải chúng ta mong muốn sẽ có”, ông Giang nêu quan điểm.

Các khách mời tham gia phiên thảo luận thứ 1 với chủ đề “Lan toả khát vọng chuyển mình đổi số”.

Ông Giang cho rằng, hãy biến tất cả doanh nghiệp của mình thành chuỗi cung ứng nội bộ, nó sẽ quyết định đến thành công của doanh nghiệp. Đồng thời, để dữ liệu trở thành nhân tố sản xuất vẫn đang là câu hỏi lớn.

“Hiện nay, thiếu chiến lược dữ liệu đang thực sự là điểm nghẽn với doanh nghiệp. Số hóa dữ liệu quản lý, dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp; có dữ liệu để hiểu dc cách đáp ứng và thảo mãn khách hàng tốt hơn, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp; chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp… tất cả các quy trình này thách thức đặt ra không phải là sử dụng chuyển đổi số không phải sử dụng phần mềm nào, nhân lực ra sao mà là làm sao để thích ứng với công nghệ đó…”, ông Giang nhận định.

Các khách mời tham gia phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Bứt phá tư duy – Chuyển mình đổi số”.

Tại hội thảo, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, với các nội dung: Tư vấn các giải pháp phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số cho hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, VINASA và Tập đoàn FPT ký kết thoả thuận hợp tác giai đoạn 2022 – 2025.

Nhân dịp này, Câu lạc bộ Công nghệ và chuyển đổi số doanh nhân trẻ Việt Nam đã ra mắt các thành viên thường trực. Đây là nơi quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp chuyên về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực chuyển đổi số, nơi tổ chức triển khai các chương trình hội thảo, tư vấn chuyển đổi số cho doanh nhân trẻ tại các địa phương trong cả nước.

Câu lạc bộ hướng tới mục tiêu góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực toàn cầu, góp phần vào thành quả chiến lược quốc gia về chuyển đổi số mà Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025.

Nguồn: dntvn.org.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *